Bị xe khác “tạt” đầu, xe trước lấn làn không báo trước hay phanh đột ngột, hoặc xe hai bánh bất ngờ lao từ trong ngõ ra,… Những tình huống như vậy có thể gặp liên tục trên đường giao thông Việt Nam, gây bức xúc, ức chế và thậm chí là nguy hiểm cho những người khác.
Sự cố có thể xảy ra bất ngờ với xe phía trước, nên tốt nhất là giữ khoảng cách an toàn (quy tắc 3 giây - chọn 1 vật mốc trên đường, ngay khi xe trước đi qua, 3 giây sau xe bạn mới đi qua thì mới an toàn).
Thực tế cho thấy rằng xã hội vẫn tồn tại rất nhiều người thiếu ý thức như vậy. Mỗi người lái xe cần chuẩn bị tinh thần cho việc đó và nên cảnh giác với tất cả những người xung quanh khi tham gia giao thông. Có thể trong một khoảnh khắc nào đó, bạn bị căng thẳng sau một ngày làm việc vất vả, lái xe phía trước bạn bị mệt mỏi hoặc mất tập trung vì lý do nào đó, hoặc cũng có thể anh ta bị rơi vào tình huống không thể làm khác do một sự cố phía trước mặt.
Một số người thì do vô ý, nhưng một số người thậm chí không biết họ đang gây nguy hiểm cho người khác. Đó có thể là một người say xỉn vừa bước ra từ bàn nhậu, hay cũng có thể là một lái xe vừa lấy bằng lái và rất căng thẳng khi ngồi sau vô-lăng,…
Khi bạn không tin tưởng vào khả năng lái xe hay ý thức của người khác và luôn nghĩ rằng họ có thể mắc sai lầm, thì cũng có nghĩa là bạn đã chuẩn bị cho những tình huống sẽ xảy ra và lái xe cẩn thận hơn. Bạn sẽ cảnh giác với những đèn hậu nháy sáng đỏ lòe, cảnh giác hơn khi có xe đi ngay phía trước, hoặc ở làn bên cạnh, thậm chí là cả những xe đang đi ngay phía sau.
Hãy chuẩn bị tinh thần đề phòng với tất cả những người xung quanh! Chúng tôi không có ý để bạn suy nghĩ tiêu cực, điều quan trọng ở đây là ai cũng có thể mắc sai lầm, cả bạn cũng vậy. Và thực tế cho thấy việc tin tưởng thái quá vào khả năng lái xe an toàn của người khác đã gây nên những tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Điển hình như:
1. Cứ còn trống là mình chen vào, các xe khác sẽ tự tránh: Khi bạn đang cố băng qua đường sắt những giây cuối cùng trước khi tàu đến thì có xe khác cũng chen lấn theo khiến bạn bị tắc, hoặc xe chết máy. Hãy tưởng tượng tiếp…
2. Đường đẹp và rộng, ta cứ thoải mái nối đuôi nhau bon bon: Rất có thể một xe đi đầu gặp sự cố bất thường, hoặc có một vật cản đột ngột xuất hiện phía trước nên phải phanh gấp. Tai nạn đâm liên hoàn vẫn liên tục xảy ra.
3. Xe phía trước đang tìm cách quay đầu và đèn báo lùi sáng, nhưng ta đang vội: Nhiều người rất ích kỷ, bon chen và không chịu đứng lại chỉ vài giây để nhường chỗ cho xe khác quay đầu. Hậu quả là có thể làm toàn bộ tuyến phố bị tắc.
4. Ta đang trên đường ưu tiên, các xe từ đường nhánh ra sẽ phải tránh ta: Rất có thể người đi từ đường nhánh ra là trẻ em, hay một chiếc xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, hoặc là một người thiếu ý thức và còn rất nhiều trường hợp khác.
5. Đèn xanh bật sáng rồi, vít ga phóng thôi: Cố vượt ở những giây cuối cùng của đèn vàng là chuyện xảy ra như cơm bữa ở Việt Nam. Vì vậy, ngay khi đèn xanh đã bật lên, bạn vẫn phải quan sát đường cắt ngang từ cả hai hướng trước khi tiến lên.
6. Đường khá vắng, chuyển hướng chẳng cần xi-nhan: Nhiều lần như vậy sẽ thành thói quen, chưa nói đến việc bạn đang phạm luật. Sẽ có một lúc nào đó bạn mắc sai lầm là quên xi-nhan và gây hậu quả nghiêm trọng cho người khác.
7. Xe sau phải giữ khoảng cách, nếu không sẽ chịu thiệt khi ta phanh gấp: Cả hai có thể sẽ cùng bị thiệt hại về tài sản và tính mạng. Xe bạn to và cản sau chắc? Hãy nghĩ đến sinh mạng người khác như sinh mạng người thân mình để lái xe từ tốn.
Các từ khóa liên quan:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét