Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

KINH NGHIỆM KHI ĐI ĐƯỜNG NGẬP NƯỚC (THỦY KÍCH)

Đã có rất nhiều cảnh báo đối với lái xe về hiên tượng thủy kích khi xe bị ngập nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều tài xế chưa hiểu rõ sự nguy hiểm và tác hại của hiện tượng này.

Thủy kích là gì?
Khi di chuyển trong đường ngập nước, nhất là mức ngập quá tâm bánh xe, nước rất dễ tràn vào ống hút gió, đây là nguyên nhân đầu tiên gây ra thủy kích.
Nước tràn vào ống hút gió sẽ khiến xe bị thiếu không khí – phần quan trọng trong hỗn hợp xăng – gió để động cơ hoạt động, và động cơ nhanh chóng chết máy.
Trong trường hợp này, nếu ta cố khởi động lại động cơ, hệ thống hút gió sẽ tiếp tục hoạt động trở lại, nhưng cái được hút vào động cơ để tạo thành hỗn hợp nhiên liệu không còn là xăng – gió nữa, mà là xăng – nước. Piston khi phải nén hỗn hợp chất lỏng xăng – nước đương nhiên sẽ không chịu được và khiến tay biên của piston bị cong. Hoặc khi máy xe đang vận hành ở vòng tua lớn gặp nước xâm nhập bất ngờ cũng gây ra những hư hại tương tự. Giới chuyên môn gọi hiện tượng đó là thủy kích.
Nếu tiếp tục khởi động liên tục, tay biên cong sẽ quá sức chịu đựng và bị gãy, và đoạn tay biên piston gãy sẽ tiếp tục được đẩy theo chu kì, dẫn tới làm xước xilanh hay nghiêm trọng hơn là chọc thủng lốc máy, gây hậu quả nặng nề. Đây được coi là một trong những thiệt hại nghiêm trọng nhất đối với xe hơi.
Theo số liệu thống kê lưu trữ những năm vừa qua, hiện tượng thủy kích đã khiến khá nhiều chủ xe lâm vào cảnh điêu đứng, đặc biệt là chủ của các dòng xe cao cấp. Nguyên nhân của các tổn thất trên có thể từ phía người lái vội vàng,  thiếu kinh nghiệm phán đoán mức nước ngập mà xe có thể vượt qua an toàn,  hoặc do sợ chậm trễ, mà nhiều người cầm vô-lăng vẫn “nhắm mắt làm liều” đưa xe băng qua đoạn đường ngập nước. Chưa kể tình huống bất khả kháng là gặp các xe chạy ngược chiều với tốc độ cao tạo sóng lớn vỗ ập vào xe. Mặt khác, khi gặp
các trường hợp  trên, theo phản xạ, phần lớn người lái sẽ nhấn chân ga mạnh hơn để xe nhanh chóng thoát ra khỏi vùng ngập nước  hoặc thực hiện một loạt các thao tác không hợp lý tiếp theo như: vẫn để chế độ hộp số tự động, thay vì chuyển sang chế độ đi số tay; vẫn bật máy lạnh, tủ lạnh mini và các thiết bị giải trí nghe nhìn, máy chơi game trên xe; cố gắng đề máy khi xe bị tắt máy; mở cửa xe để thoát ra ngoài… Tất cả đều góp phần tạo nên thủy kích với những tác hại khó lường.
Giải pháp tránh thiệt hại nặng do thủy kích
Chính vì thủy kích gây thiệt hại lớn cho rất nhiều người sử dụng xe hơi nên nhiều tờ báo đã đăng hàng loạt bài viết cảnh báo về hiện tượng thủy kích. Tuy nhiên, phần lớn hiện tượng thủy kích chỉ xảy ra vào mùa mưa nên nhiều người không lưu tâm nhiều đến các yêu cầu quan trọng khi lái xe vào đường ngập nước. Để tránh thiệt hại đáng tiếc, hai thao tác đơn giản những rất quan trọng mà người lái xe cần nằm lòng khi xe lỡ đi vào đường ngập nước và bị tắt máy, đó là (1) Tuyệt đối không đề lại máy dù với bất cứ lý do gì; (2) Điện thoại cho số hotline của công ty bảo hiểm để được tư vấn chi tiết cách cứu hộ xe ngay sau đó.
Ngoài các thủ thuật tránh bị thủy kích, chủ xe nên mua gói bảo hiểm thủy kích, vốn được các công ty bán rời như một gói phụ bên ngoài bảo hiểm vật chất xe. Mức phí cho khoản bảo hiểm phụ này dao động trong khoảng từ 0,3 - 0,5% giá trị xe tùy theo mỗi nhà cung cấp bảo hiểm. Trước khi mua, bạn nên hỏi rõ nhân viên bảo hiểm về điều khoản thủy kích.
Một số nguyên tắc cơ bản khi lái xe gặp mưa ngập:
- Khi buộc phải đi qua vùng ngập nước, nên tháo lọc gió động cơ ra để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào vì đây là vị trí cao nhất, tránh lấy gió qua đường khí nạp theo xe vì đây là vị trí thấp hơn. Qua khỏi đoạn ngập lụt, bạn có thể lắp lại lọc gió động cơ như ban đầu. 
- Mức nước an toàn cảnh báo là dưới 25 cm, không vượt qua tâm bánh xe, ở trên mức đó bạn không nên đi qua. Bên cạnh đó, đặc biệt chú ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể xảy ra hiện tượng tạo sóng, làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ.
- Khi đi qua vùng ngập, nên tắt công tắc điều hòa (nút AC), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, lái điềm tĩnh. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1. Nếu để nguyên, xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô. Chú ý không nên đạp côn xe số sàn khi qua chỗ ngập để tránh trường hợp chết máy.
- Nên hạn chế đạp thốc ga vì việc tăng ga mạnh sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút. Ngoài ra, khi tăng ga đột ngột vòng tua máy lên cao, nếu nước vào sẽ khiến hiện tượng thủy kích mạnh hơn, dẫn tới cong tay biên.- Khi đã đi qua chỗ ngập, bạn cần đi tiếp một đoạn, rà phanh để loại bớt nước trên đĩa. Sau đó xuống kiểm tra lại động cơ, gầm xe.
- Nếu xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập, bạn tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe vị trí cao và gọi ngay cứu hộ. Với mỗi xe khác nhau thì việc xử lý sự cố sau khi ngập nước cũng khác nhau, vì thế đừng nên tìm cách tự sửa nếu bạn không có chuyên môn kỹ thuật.
- Khi gọi cứu hộ, tài xế cũng lưu ý nếu xe trang bị số tự động, hệ thống tự động chống trượt, tự động cài cầu, tự động ổn định chống lật hoặc dẫn động 4 bánh toàn thời gian thì chỉ nên kéo xe bằng xe bàn (4 bánh không quay).
- Ngoài ra, không nên mở cửa ngay khi xe bị chết máy mà cần chú ý tới mức nước. Nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa ra vào, tuyệt đối không được mở cửa, vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào làm hư các hệ thống điện tử. Trong trường hợp này, cần mở cửa sổ để ra vào xe.

                                                                                                                                                                     Nguồn Hoàng Hải _ ôtofun


Các từ khóa liên quan:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét